Mục tiêu tiền bạc cho 3 tháng cuối năm
Ba tháng cuối là thời điểm để đánh giá lại mục tiêu tiền tạc bạn đã đặt ra vào đầu năm và chuẩn bị kế hoạch tài chính cho năm sau.
Vậy là một năm nữa sắp qua, chúng ta đang đi đến những ngày cuối cùng của năm 2019, một mùa Tết với rất nhiều khoản chi lại sắp đến. Đây là giai đoạn mà mỗi người nên nhìn lại mục tiêu tài chính mình đã đặt ra xem đã thực hiện những gì và chuẩn bị cho năm sau như thế nào. Dưới đây, TPS – Chứng khoán Tiên Phong xin gửi đến 3 ý tưởng do CNBC đề xuất.
Thiết lập tiết kiệm tự động
Hầu hết ngân hàng đều cung cấp dịch vụ tiết kiệm tự động. Bạn chỉ cần chọn mức tiền và ngày gửi. Đến ngày đã chọn hàng tháng, ngân hàng sẽ tự động rút số tiền đó từ tài khoản của bạn để chuyển sang tài khoản tiết kiệm.
Tiết kiệm tự động là cách hữu hiệu để dự trù quỹ tiết kiệm và quỹ tiêu xài mỗi tháng cho bản thân. Nếu để tiền trong tài khoản thông thường, bạn hoàn toàn có khả năng chi tiêu quá mức.
Theo chuyên gia quản lý tài sản David Bach, tác giả quyển 'The Automatic Millionaire', tự động hóa tài chính là một bước hầu như đảm bảo bạn sẽ không thất bại về tài chính. Nguyên nhân vì bạn sẽ không phải thấy khó khăn mỗi khi cần trích tiền ra tiết kiệm do nó đã được trừ thẳng một cách nhanh chóng.
Cắt giảm các chi tiêu
Hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, chúng ta đều có những chi phí không cần thiết. Thời điểm này, bạn có thể rà soát lại các khoản chi của mình coi mình có đang lãng phí tiền vào cái gì hay không. Rất có thể nó đến từ hóa đơn K+ không sài tới, các loại phí thành viên hoặc hàng tá hóa đơn nhà hàng, quán bar.
Bạn có thể tham khảo một kế hoạch chi tiêu mà TPS – Chứng khoán Tiên Phong đã từng đề cập : Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả theo phương pháp 50/30/20. Hãy dành chút thời gian trước khi kết thúc năm để đánh giá lại tài chính cá nhân và tìm ra những điểm có vấn đề.
Từ đó, để gia tăng khoản tiết kiệm, bạn có thể lập ra một số quy tắc không chi tiêu cho những hạng mục nào trong thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2019. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau để cắt giảm các khoản chi tiêu:
- Vờ như không được tăng lương: Nếu được tăng lương, thưởng thì đừng lập tức điều chỉnh lối sống. Thay vào đó, giữ kế hoạch chi tiêu không mấy thay đổi như bạn chưa được tăng lương và dùng số tiền tăng để tiết kiệm. Bằng cách này, bạn sẽ thoát khỏi nguy cơ chi tiêu sa đà và thêm nợ vì cảm giác có nhiều tiền.
- Chờ một tuần trước khi mua hàng giá trị: Nếu bạn đang vật lộn để tiết kiệm do tính tiêu tiền bốc đồng, hãy thiết lập cho mình một thời gian chờ trước khi sắm một món hàng giá trị. Hãy trì hoãn một tuần để bạn đủ tỉnh táo xem món hàng có thật sự cần thiết hay là ham muốn nhất thời.
- Không lưu sẵn thông tin thẻ trên máy tính: Thật dễ dàng để mua sắm, nhất là khi các trang thương mại điện tử đã lưu sẵn thông tin thẻ tín dụng của bạn. Không cho phép lưu lại thông tin sẽ bắt buộc bạn mở ví, đọc số và gõ lại thủ công các thông tin. Những bước tưởng chừng nhỏ nhặt này sẽ khiến bạn nghĩ lại rằng món đồ đó nhất thiết phải mua không.
Lập kế hoạch cho năm 2020
Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, dù còn gần 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 nhưng đây lại là thời điểm lý tưởng cho sự chuẩn bị tài chính cho năm sau và đánh giá những điểm trong kế hoạch tài chính cá nhân bạn cần cải thiện.
Bắt đầu với việc nghĩ đến những điều liên quan đến tiền bạc mà bạn đang bận tâm nhất để lên kế hoạch vào năm tới. Trong khi còn khoảng gần 100 ngày nữa đến năm 2020 nhưng không ai nói rằng bạn không thể bắt đầu mục tiêu cho năm sau từ bây giờ.
- Nguồn https://vnexpress.net
>>> Xem thêm nhiều bài viết bổ ích tại đây